Tin tức

“Vàng trắng” & giấc mơ tiền tỉ!

“Vàng trắng” & giấc mơ tiền tỉ!

Cách TP Hồ Chí Minh hơn 50km, trên đường Rừng Sác về Cần Giờ chúng tôi bắt gặp rất nhiều biển quảng cáo với nội dung: "Bán đất nuôi chim yến". Để có được một mảnh đất đẹp và xây ngôi nhà nuôi chim yến tốn gần 3-4 tỉ đồng, những người "lắm tiền" và một số Việt kiều ở TP Hồ Chí Minh họ không ngại săn lùng một mảnh đất đẹp ở nơi này để "xin lộc trời".

Yến Gia Trang… có sinh lợi kép?

 Nói đến nuôi yến ở Cần Giờ không ai không biết đến Yến Gia Trang với một “khu liên hiệp” rộng gần 20 hécta, được quảng cáo rầm rộ là nơi mà những ai “chịu khó” đầu tư sẽ sinh lợi kép – vừa nghỉ dưỡng sinh thái, vừa thu tiền tỉ từ chim yến. Sự thật Yến Gia Trang có sức hấp dẫn đến như vậy hay không? Chủ đầu tư của Yến Gia Trang – Công ty CP Sài Gòn Nhà Đất (Saigon Land) rao bán “khu liên hiệp” với những định mức hợp đồng hết sức hấp dẫn như là, thời gian thanh toán chia làm bốn đợt như một dự án bất động sản, đợt đầu đóng 30%. Không chỉ có vậy, khách hàng vừa mua đất nuôi chim yến, vừa xây biệt thự để ở cùng… chim. Để thuyết phục khách hàng hơn công ty còn đưa ra lời cam kết, sau 5 năm nếu khách hàng không hoàn vốn của mình bỏ ra, chủ đầu tư Yến Gia Trang sẽ thu mua lại nhà yến và đất theo giá gốc cộng lãi suất…

Để có một lô đất trong Yến Gia Trang trung bình phải mất từ 1,3-2 tỉ đồng, mỗi lô đất có diện tích 500m2 được rao bán với giá 2,5-4 triệu/m2, đó chỉ là tiền “tậu” mảnh đất chưa kể tiền đầu tư để xây nhà nuôi chim yến và biệt thự cho mình. Nếu sự thật “bóng bẩy” như những gì được quảng cáo thì chẳng khác nào Yến Gia Trang trở thành “tấc đất tấc vàng”, 20 hécta “khu liên hiệp” giờ đây đã chật kín những ngôi nhà nuôi yến và biệt thự của “đại gia” chứ không bỏ ngỏ như bây giờ! Tuy nhiên, Yến Gia Trang lại có một điều “nhập nhằng” ở đây khiến khách hàng cần phải “suy nghĩ” đó là: Về hình thức, Yến Gia Trang giống như một dự án đầu tư bất động sản, đất được phân lô, làm đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước… thế nhưng, chính quyền Cần Giờ – ông Đào Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện lại khẳng định: “Chính quyền không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào triển khai dự án bất động sản liên quan đến nuôi chim yến hoặc xây biệt thự nghỉ dưỡng”.

Còn Công ty Saigon Land lại giải thích, đây không phải là dự án bất động sản gì hết?! Mà do 19 hộ dân cùng nhau hùn vốn triển khai như một dự án bất động sản?! Và công ty chỉ thay mặt người dân đứng ra bán đất nền theo hình thức sang nhượng lại quyền sử dụng đất. Ngay sau khi khách hàng mua được đất, bên Công ty Saigon Land sẽ cam kết liên hệ với cơ quan chức năng xin phép xây dựng nhà nuôi chim yến. Đồng thời công ty còn cam kết cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ nuôi chim yến…

Cứ cho những “nhập nhằng” đó được công ty Saigon Land giải quyết tất tần tật đi chăng nữa, nhưng xét về khía cạnh nuôi yến và xây biệt thự để nghỉ dưỡng thì khách hàng cần phải “suy nghĩ” thêm một lần nữa. Bởi vì trên thực tế, Yến Gia Trang chỉ là một khu đất hẹp mà được giới thiệu xây gần trăm căn nhà để nuôi yến thì quá “bon chen” đến vô lý, chưa biết chắc yến sẽ ở nhà nào và không ở nhà nào.

Theo phân tích của một số người nuôi yến có kinh nghiệm thì cho dù có rất nhiều nhà nuôi chim nằm san sát với nhau nhưng theo tập tính chim yến cũng chỉ sẽ tập trung vào sinh sống một số nhà nhất định mà thôi. Đó còn chưa kể nguy cơ lây lan bệnh dịch vì yến cũng là một loài gia cầm… Phân yến thì lại rất tanh, đồng thời tiếng ồn của những con chim yến chẳng khác nào đàn ong vỡ tổ, liệu trong điều kiện như vậy khách hàng có yên tâm xây cho mình một căn biệt thự để nghỉ dưỡng hay không? Bên Công ty Saigon Land chắc cũng hiểu rõ điều này, tuy nhiên để hút khách và mong kiếm được tiền tỉ từ đầu tư bất động sản họ không ngại ngần gì quảng cáo “vừa xây nhà nuôi chim yến, vừa xây biệt thự bên cạnh để nghỉ dưỡng và thu… tiền tỉ”. Chẳng lẽ khách hàng có thể yên tâm với lời cam kết của công ty là sẽ mua lại khu đất lẫn căn nhà nuôi chim yến. Đó là chuyện của 5 năm về sau không biết lúc đó những khách hàng của Yến Gia Trang sẽ trôi dạt về tận đâu rồi… Bấy nhiêu đó, cũng đủ thấy Yến Gia Trang còn nhiều điều để nói và người đầu tư cũng phải thận trọng với những dự án tiền tỉ.

“Xin lộc trời”… đâu có dễ?

Tại Cần Giờ, hiện nay có hơn 70 căn nhà nuôi chim yến. Người dân nơi đây đồn rằng, yến về đâu là trời đang ban lộc ở đó, ai có gan đầu tư nuôi yến thì dễ kiếm ra tiền tỉ…?

Một trong những người đang nuôi yến thành công nhất ở Cần Giờ đó là ông A Lý (Việt kiều Malaysia). Căn nhà nuôi yến của ông nằm ở làng An Hòa cạnh con sông lớn Lòng Tàu. Xét về địa lợi nhân hòa ông có đủ cả, nơi đây vừa yên tĩnh lại có con sông vắt ngang hệ sinh thái rất tốt, mật độ chim yến tập trung dày, sông nhiều tảo, động vật li ti là nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến. Thế nhưng, theo lời tâm sự của ông để lấy được “vàng trắng” từ những con chim yến rất gian nan. Người muốn thành công trong nghề nuôi “vàng trắng” này phải có tiền và có gan làm giàu nữa. Ông A Lý ngồi nhớ lại những ngày đầu tiên gắn cuộc đời mình với đất nước Việt Nam, trong một lần về thăm sui gia ở làng An Hòa, ông tình cờ phát hiện ra những con chim yến đang lượn lờ trên những ngôi nhà cao nhất của làng, ý định đầu tư làm nhà nuôi chim yến của ông cũng nảy sinh từ đó.

Bỏ lại vợ con ở bên Malaysia biết bao lần ông Lý về Việt Nam lặn lội xuống tận làng An Hòa để tìm hiểu, khảo sát và xây dựng nên căn nhà nuôi chim yến như hiện nay. Chú Năm Bông, người giúp ông Lý làm nhà nuôi chim yến kể: “Ngày ông Lý quyết định mua đất xây nhà nuôi chim ở đây tôi còn nhớ rõ mồn một, ông kéo cả một “binh đoàn” mà ông ấy gọi là trợ lý và các cộng sự để xây nhà, thiết kế, lắp đặt kỹ thuật trong căn nhà… ông làm như vậy tốn cả tiền tỉ đó chứ”. Căn nhà nuôi chim yến của ông Lý được đầu tư hết sức kỹ lưỡng, nhà được xây cao và kín, chỉ làm những lỗ nhỏ cho yến ra vào, tường nhà thì xây bằng 2 lớp gạch để cách nhiệt, cách âm tối đa với bên ngoài… Đồng thời trong nhà nhất thiết phải có những thiết bị kỹ thuật như là máy giả tiếng chim, bơm bét phun sương, camera theo dõi, trần nhà phải đóng bằng gỗ tỉ mỉ, công phu và còn rất nhiều thiết bị khác… Chú Năm Bông đã chứng kiến biết bao nhiêu lần những nỗi buồn, sự lo lắng của ông Lý khi nhìn đàn yến của mình cứ thưa dần đi theo năm tháng. Sau những lần như vậy, ông Lý lại quay về Malaysia tìm những chuyên gia thật giỏi về chim yến, đưa họ sang Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật và giúp ông đạt được ước mơ của mình.

Hơn một năm sau ông A Lý cũng đã lấy được tổ của chúng. Chú Năm Bông bồi hồi nhớ lại: “Ngày thu nhập mẻ yến đầu tiên, ông Lý rưng rưng nước mắt, những tháng ngày ăn, ngủ với yến của ông cũng được đền đáp, thật tình tôi rất khâm phục nghị lực và lòng đam mê của ông”. Chẳng bao lâu, thông tin nghề nuôi chim yến ở làng được lan truyền, giá đất nơi đây bỗng dưng được đẩy lên cao lên ngất ngưởng. Hiện nay một lô đất với chiều rộng 10m, chiều dài 25m để xây nhà nuôi chim yến giá từ 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Nếu đầu tư nuôi yến thành công thì giá đất trên so với lợi nhuận từ con chim yến đem lại vẫn còn rẻ hơn nhiều lần. Một kilôgam tổ chim yến mỗi lần ông Lý lấy ra bán nằm giá từ 2.100-2.200USD, còn một số người dân tại làng An Hòa kinh doanh nhỏ lẻ thì bán giá từ 200.000-400.000đồng/tổ yến. Trung bình từ 10-12 tổ yến thì được 1 lạng. Từ đó cho thấy, lợi nhuận từ tổ yến mang lại rất lớn. Tuy nhiên, theo lời của ông Lý, tiền tỉ là vậy nhưng không có gan làm giàu thì lộc của trời cho muốn xin cũng không hề dễ dàng chút nào.

Nghề hốt bạc hay rủi ro?

Thành công của ông A Lý trong nghề nuôi chim yến không phải là “ăn may” mà cả một quá trình đầu tư đầy công phu với số tiền trên cả chục tỉ đồng. Để thành công với 4 căn nhà nuôi yến như hiện nay ông Lý phải mất gần 7 năm trời cùng với sự giúp sức của rất nhiều chuyên gia về chim yến từ Malaysia sang. Các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và tư vấn nuôi yến thì đều khẳng định, đây là một ngành siêu lợi nhuận, thời gian bắt đầu thu lợi nhuận là 3 năm. Lúc đó một căn nhà nuôi yến cỡ trung bình có thể cho 10kg/tháng?! Với giá như hiện nay tầm 35-40 triệu đồng/kg thì một năm có thể lời hơn 3 tỉ đồng…

Không thể phủ nhận cũng có một số người giàu lên nhờ nuôi chim yến thành công. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong hàng trăm người nuôi hiện tại. Vì không phải ai đầu tư cũng dễ dàng như vậy, cứ nuôi là sẽ thắng lớn, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố kỹ thuật. Theo ông Thắng, một người có rất nhiều kinh nghiệm về nuôi chim yến ở Cần Giờ cho biết: “Nuôi chim yến như một cuộc đầu tư chứng khoán dài hơi vậy, nếu không đủ vốn, đủ kinh nghiệm thì sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng, chỉ có những người gan lì nhất và tiền bạc rủng rỉnh mới dám theo hết canh bạc này…”. Ông Thắng dẫn chứng: Cùng một khu đất có người xây nhà xong chim yến kéo về rất nhiều, ngược lại nhà bên cạnh chẳng thấy chim yến đâu. Hay trường hợp chim yến chuyển từ nhà này sang nhà khác, đây là trường hợp rất phổ biến, chính vì vậy sẽ kéo đàn chim yến nhà bên cạnh thưa dần đi, đồng nghĩa với sản lượng tổ yến thu chẳng được là bao và xem như đầu tư thất bại… Theo lời ông Thắng thì mỗi người nuôi sẽ có rất nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó các kỹ thuật về cách tạo mùi và tạo âm thanh dẫn dụ đàn chim yến rất quan trọng, nó quyết định đến số lượng đàn chim yến kéo về làm tổ. Chính vì chim yến là một loài chim rất nhạy cảm, chỉ cần “trái gió trở trời” thôi thì sẽ bỏ đi, điều này đồng nghĩa với ngôi nhà nuôi chim yến cũng là một môi trường tự nhiên nhân tạo cho nó sinh sống, nếu thiết kế không đúng kỹ thuật thì nó sẽ bỏ đi nơi khác không bao giờ quay về nữa.

Ông Phạm Đức Trọng, Phó phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cũng đưa ra nhận định: “Đây là một nghề mới đầy phiêu lưu, cơ hội nhiều nhưng cũng không ít rủi ro. Chính vì thế cần phải nghiên cứu và đầu tư nhiều hơn nữa, trong một sớm, một chiều không thể kết luận là một nghề siêu lợi nhuận mà phá bỏ môi trường sinh thái, ồ ạt xây nhà nuôi chim yến, để rồi chim yến không về nhà xây xong bỏ trống chỉ tốn tiền bạc và công sức”.

Dân gốc… vẫn nghèo!

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, huyện Cần Giờ, TP HCM vẫn là nơi nổi tiếng nhất về đầu tư nuôi chim yến, chính nguồn lợi này sẽ làm cho cuộc sống nơi đây sung túc hơn, thế nhưng dân gốc nơi đây vẫn cứ nghèo. Điển hình như tại làng An Hòa, sau khi áp dụng mô hình nuôi chim yến thấy hiệu quả, ông Lý có truyền lại một số cách nuôi và kỹ thuật cho người thân của mình về cách lắp đặt, kỹ thuật và nhiều khâu khác với mong muốn phát triển nghề nuôi yến ở làng. Thế nhưng, hiện nay trong làng chỉ có thêm anh Long đang hợp tác nuôi với người khác còn lại không có người dân nào có điều kiện để nuôi.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nhân, một người dân trong làng cho biết: “Dù biết là lộc trời cho, vậy mà bà con ở đây chỉ đứng nhìn người khác đến “xin lộc” còn mình thì nghèo vẫn cứ nghèo”. Đối với những người dân nơi đây thì nuôi yến là một nghề mới với nhiều thiết bị kỹ thuật, nói ra cứ tốn đến bạc tỉ. Tâm sự của anh Nhân cũng làm cho chúng tôi hiểu phần nào những đắn đo suy nghĩ của họ, so với một số người khác, họ có sẵn “địa thế”, tuy nhiên họ lại nghèo, cũng có người bán đất được hơn tỉ bạc nhưng rất e ngại không dám đầu tư mạo hiểm vào nuôi chim yến vì theo họ như thế là quá mạo hiểm. Anh Lâm, một người dân trong làng cũng tâm sự: “Thấy người ta nuôi yến thu bạc tỉ cũng ham, nhưng lấy tiền đâu ra để đầu tư, theo tôi nuôi yến cũng giống như đánh một canh bạc, người có nhiều tiền thì mới vững tâm, thua keo này thì bày keo khác còn như người dân chúng tôi thì đầu tư một lần không được sẽ mất cả chì lẫn chài”. Đa số người dân nơi đây làm nghề nông, có người không có ruộng thì làm ở các khu công nghiệp, làm thuê hoặc làm nghề chài lưới. Vì vậy, nuôi yến và làm kinh tế từ những con yến này đối với họ là một điều quá khó. Theo chú Năm Bông người đang nắm nhiều kỹ thuật về cách nuôi yến cho biết: “Ngoài tiền xây nhà ra, giá đầu tư cho một 1m2 nuôi yến từ 600.000-800.000đ, đó là chi phí lắp đặt các thiết bị kỹ thuật để dụ dỗ và duy trì con yến ở lại tổ…”. Chú Năm tiếp tục dẫn chứng về các khoảng chi phí khổng lồ mà ông Lý đã bỏ ra đầu tư cho 3 ngôi nhà nuôi yến: “Giàu như ông Lý mà còn “ngắc ngư” khi bỏ tiền ra đầu tư nói chi người nghèo, 4 ngôi nhà nuôi yến ông đầu tư hơn 10 tỉ bạc”. Ngoài ông Lý, anh Long, trong làng còn có hơn 30 người nuôi yến khác, tất cả họ đều là người từ TP HCM đến hoặc Việt kiều. Dò hỏi những người trong làng tại sao không hùn vốn nuôi chim yến, có người lắc đầu, có người thì tỏ vẻ luyến tiếc. Chẳng hạn như anh Vinh, bán lô đất hơn tỉ bạc, rủ hai người bà con hùn lại xây một ngôi nhà nuôi yến. Lúc đầu họ hăng lắm, nhưng khi nghe trình bày cái giá tiền quá lớn ai cũng lè lưỡi, thành ra anh Vinh vẫn chỉ ôm mộng chứ chưa nuôi được. Hiện anh đang chuẩn bị hợp tác với một người từ thành phố xuống, nếu như thành công thì anh Vinh là người thứ hai của làng nuôi yến. Một tín hiệu đáng mừng hiện nay để dân làng An Hòa thoát nghèo đó là chính quyền địa phương xã Tam Thới đang rất quan tâm đến nghề nuôi yến và trong tương lai sẽ đẩy lên thành một làng chuyên nuôi yến. Nếu điều này thành sự thật thì làng yến An Hòa sẽ thoát nghèo nhờ… “xin lộc trời”.

 

 

Tác giả bài viết: Đỗ Ngà

Nguồn tin: (Petrotimes)

 

 

YẾN SÀO THUẬN THIÊN
(chuyên: Tư Vấn - Khảo Sát - Thiết Kế - Thi Công Lắp Đặt Thiết Bị Nhà Nuôi Yến - sữa chửa nhà Yến thất bại)
Địa chỉ : 332 Quốc Lộ 14 - Phường Tân Đông - Thị Xã Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước

Điện Thoại : - 0948611819 Mr. Thanh (Tây Nguyên & Nam Bộ)

                      - 0942117786 Mr. Nhân (Miền Trung)

 

Email : yensaothuanthien@gmail.com

Website : yensaothuanthien.com

Tin tức khác

Loại hình trang trại hay nhà nuôi yến nhân tạo rất thích hợp với nhiều khu vực địa lý tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Indonesia.

Xem thêm

Ở Việt Nam, điều kiện thiên nhiên nằm ven biển, khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiều rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đồng lúa nước, các cây trồng nhiệt đới và cả dãy Trường Sơn nơi có rất nhiều rừng cây bụi nên có sức sản sinh môi trường tự nhiên vô cùng phong phú, dồi dào chủng loại côn trùng nên trong vòng 30 - 50 năm tới tình trạng này vẫn còn giữ nguyên

Xem thêm

Kỹ thuật nuôi chim Yến tại nhà không hề khó nhưng hơi phức tạp trong việc làm nhà cho chim Yến ở bởi chúng đã sống quá quen thuộc với môi trường hoang dã. Để có kỹ thuật nuôi chim Yến đúng cách cần phải nắm vững các yêu tố sinh trưởng, môi trường và điều kiện sống của loài chim này mới tạo ra được những hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi chim.

Xem thêm

Kích thước của chim yến từ đầu đến đuôi vào khoảng 9-13 cm; trọng lượng trung bình khoảng 7-21 g 2. Chim yến có thị lực tốt. Chúng thích làm tổ ở những nơi có cường độ sáng khoảng 0,2 - 2 lux; những nơi này giúp chim yến có thể tránh được kẻ thù như cú mèo, dơi, các loài chim khác.

Xem thêm

Chim yến chỉ có thể đớp mồi trên không trung. Thức ăn của chim yến là các loài côn trùng nhỏ bay lên hay bị gió cuốn lên từ các đầm lầy, ao hồ, sông suối (như muỗi, phù du…), từ các thảm cỏ hoang dã, từ cánh đồng, ruộng vườn, từ các kiểu rừng trong đó có rừng ngập mặn, từ chợ búa, bãi rác, trại chăn nuôi.

Xem thêm

Chim yến xây tổ bằng nước bọt tiết ra từ tuyết bọt nằm dưới lưỡi của chim. Cặp tuyến này phát triển mạnh trong thời gian làm tổ, sau đó xẹp xuống. Khi vào mùa sinh sản, những đôi bạn chim yến chọn cho mình một chỗ thích hợp trên vách hang hay tấm ván để xây tổ. Vị trí này được giữ cố định trong nhiều năm trong suốt cuộc đời của đôi chim yến nếu như không có những biến động môi trường sống hay tác động của con người hay thiên địch

Xem thêm